Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Đặc sản Thanh Long Bình Thuận


Nếu Ninh Thuận được coi là “vương quốc” của nho Việt Nam, thì Bình Thuận được mệnh danh là “vương quốc” của thanh long.Thanh Long,một loại cây có sức sống kỳ lạ thuộc họ xương rồng, dễ trồng, sống lâu, trái chứa nhiều chất khoáng và vitamin… Người Bình Thuận gọi thanh long là cây xóa đói giảm nghèo. Thanh long đã giúp người nghèo có cái ăn, giúp người thất nghiệp có việc làm, giúp những người tay trắng trở thành tỷ phú…



Ở Bình Thuận những ngày này, thanh long đang rộ vụ. Trên khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng thấy người đi xe gắn máy thồ hai giỏ cần xé to đằng sau. Họ đi tới những nhà vườn, từ đồng bằng đến tận miền núi mua thanh long về bán lại cho các chủ vựa để được hưởng giá chênh lệch từ 5-10%. Thật ra, tỷ lệ tiền lời này cũng chỉ là công xe thồ mà thôi, không sướng bằng các anh xe ôm chạy làng nhàng ở thành phố, nhưng được cái ăn chắc mặc bền. Có thanh long là có tiền, mỗi ngày một anh “lái” có thể dắt lưng 100.000-200.000 đồng đem về “nộp” cho vợ. Vào mùa cắt thanh long như hiện nay, du khách đến “vương quốc” thanh long Bình Thuận có thể nhìn thấy hàng đoàn xe thồ mỗi sáng sớm tỏa ra các ngả đường huyện, thị.



“Nếu trồng thanh long đúng kỹ thuật, chỉ 8 tháng là có quả. Đúng 3 năm nó sẽ cho quả ở mức “sung sức” nhất. Trong 6 tháng mùa mưa, thanh long cho trái liên tục, cứ mỗi đợt trái là mười ngày...” - Chủ vườn Nguyễn Văn Tú tính chi ly với chúng tôi. Còn theo ước tính của anh Phan Văn Thanh, một cán bộ khuyến nông tỉnh đang “nằm vùng” ở Hàm Thạnh, thì mỗi sào đất trồng được 100 trụ thanh long, mỗi mùa, mỗi trụ sẽ cho 30kg trái.



Trước đây, mùa khô thanh long không có trái, nhưng tình cờ một nông dân phát hiện cây thanh long sẽ cho trái mùa này nếu ban đêm chong đèn điện cho nó. Vậy là nhà nhà sắm máy phát điện để chong đèn cho thanh long, bắt nó tiếp tục ra trái. Có những đêm ở Hàm Thạnh, những cánh rừng (trụ) thanh long sáng rực dưới trời sao. Nhiều người cho rằng, việc chong đèn là phi khoa học vì không cho cây thanh long “ngủ”; chất lượng trái thanh long chong đèn so với thanh long mùa vụ như thịt gà công nghiệp với thịt gà ta. Nhưng theo thực tế của các chủ vườn, phải biết cách chong đèn để đừng vắt kiệt sức lực của cây. Chong đèn đúng cách thì trái lớn, có khi còn ngon hơn trái thanh long vụ mùa.



Sự sáng tạo của nông dân không dừng ở đó. Thanh long vườn sống khỏe sao ta lại không làm thanh long kiểng? Cách đây gần 10 năm, anh Trần Vĩnh Thành, một chủ vườn ở xã Hàm Mỹ, cách Phan Thiết 7km, đã bỏ 100 triệu đồng biến 2 sào ruộng thành vườn thanh long kiểng (thanh long được trồng trong chậu, dùng đèn để cho trái theo ý muốn vào dúng dịp tết, để người mua mang về đặt trong phòng khách giống như cây tắc) và đã trúng lớn nhiều năm liền...



Quả là đời sống quanh trái thanh long có muôn màu, muôn vẻ. Thanh long đã cho người dân Bình Thuận hưởng “lộc giời”, từ những người đi lái bằng xe Honda thồ, bằng xe ba bánh, xe bò; những ngưòi bốc vác; những ngưòi làm đại lý thu mua cho các chủ vựa lớn để hưởng hoa hồng... Chủ vựa thì trở thành triệu phú hoặc tỉ phú cũng nhờ tìm được đầu ra cho trái thanh long. Chủ nhà vườn Trương Sáu, ở xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, cho chúng tôi biết, cả xã Hàm Hiệp khá lên nhờ thanh long.



Cách đây 4 năm, lúc hai vợ chồng anh ra riêng chỉ có một chiếc Honda 67, bây giờ mỗi ngày đóng hàng thanh long đi thành phố, anh kiếm năm ba trăm ngàn đồng. Anh kể chúng tôi nghe chuyện 4 mẹ con ở cùng thôn “nghèo rớt mùng tơi” với miếng đất rộng không biết làm gì. Khi trồng được 800 trụ thanh long, tới nay, đã cất được nhà cao cửa rộng, mở nguyên một cái chợ nhỏ trong nhà để cho thuê. Mà thế vẫn “chưa ăn thua”, ở Hàm Thuận Bắc, có những chủ vựa nắm được đường dây xuất trái thanh long qua Đài Loan, Mỹ, có doanh thu cả tỷ đồng...



Những câu chuyện mà chúng tôi nghe được đã nói lên một điều rằng, trái thanh long đã đổi đời hàng vạn con người ở Bình Thuận. Có người còn bảo Bình Thuận có một nghịch lý là ngư trường lớn nhất nhì nước nhưng chưa nuôi nổi ngư dân, còn cây thanh long cứ tàng tàng ra trái, lại nuôi được người trồng nó. Ở đâu đó, người ta chặt vườn cà phê, phá rẫy mía vì thất mùa, rớt giá, nhưng với những cánh đồng thanh long ở Bình Thuận thì không. Lý giải về điều “lạ” này, nhiều người cho rằng, dân trồng thanh long Bình Thuận đã biết làm ăn lớn bằng việc xây dựng vùng trồng chuyên canh, sản xuất được loại trái cây an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế. Chả thế mà một vị lãnh đạo tỉnh đã nói vui về người trồng thanh long ở Bình Thuận như thế này: Nhờ cách làm ăn chuyên nghiệp của nông dân, thanh long Bình Thuận đã đến hồi... “phát tiết”.



Nguồn bài viết : Báo Biên Phòng


1 nhận xét :